Zalo Buy & Sell được ra đời với mục đích tạo ra một môi trường quảng cáo sản phẩm dành cho Người Quảng Cáo và Người Tiếp Nhận Quảng Cáo. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, nhiều hình thức lừa đảo tinh vi được hình thành và có xu hướng gia tăng, gây hoang mang và ảnh hưởng đến lòng tin của Người Tiếp Nhận Quảng Cáo.
Nhằm đảm bảo an toàn cho Người Tiếp Nhận Quảng Cáo khi thực hiện giao dịch trên Zalo Buy & Sell, chúng tôi sẽ hé lộ những thủ đoạn lừa đảo phổ biến và bật mí cho bạn một số mẹo hay cần bỏ túi khi giao dịch qua mạng trong bài viết dưới đây.
- Những thủ đoạn lừa đảo mà Người Tiếp Nhận Quảng Cáo cần cảnh giác
1.1. Chuyển tiền cho Người Quảng Cáo nhưng không nhận được hàng:
Trong quá trình thỏa thuận giữa hai bên, Người Tiếp Nhận Quảng Cáo đồng ý chuyển tiền cho Người Quảng Cáo để đặt cọc hoặc thanh toán trước thông qua hình thức chuyển khoản, nạp thẻ cào điện thoại, … Thế nhưng, đến ngày hẹn thì Người Tiếp Nhận Quảng Cáo lại không không nhận được hàng và cũng không liên hệ được với Người Quảng Cáo. Đối với trường hợp này, Zalo Buy & Sell khuyến khích bạn:
- KHÔNG NÊN đặt cọc hoặc chuyển tiền trước cho Người Quảng Cáo. Trong trường hợp cần thiết phải chuyển tiền trước, bạn nên kiểm tra kỹ thông tin của Người Quảng Cáo, lưu lại thông tin giao dịch và thỏa thuận giữa hai bên để làm bằng chứng giải quyết các tranh chấp (nếu có).
- NÊN sử dụng dịch vụ giao hàng COD (thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận hàng) và kiểm tra hàng trước khi nhận. Trong trường hợp không được kiểm tra hàng, bạn nên quay lại video quá trình mở hàng để làm bằng chứng giải quyết các tranh chấp (nếu có).
1.2. Hàng nhận được kém chất lượng, không giống với mô tả trong tin đăng quảng cáo:
Người Tiếp Nhận Quảng Cáo đã trả tiền và nhận được hàng, tuy nhiên, khi mở hàng và kiểm tra sản phẩm thì phát hiện ra sản phẩm kém chất lượng, khác xa với hình ảnh, chất liệu được mô tả ban đầu của Người Quảng Cáo. Đối với trường hợp này, Zalo Buy & Sell khuyến khích bạn:
- Đọc kỹ các thông tin về sản phẩm và chính sách đổi trả, bảo hành sản phẩm trước khi giao dịch.
- Thận trọng khi giao dịch hàng có giá quá rẻ so với thị trường, …
- Lựa chọn hình thức giao hàng COD (thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận hàng).
- Nên kiểm tra hàng trước khi nhận. Trong trường hợp không được kiểm tra hàng, bạn nên quay lại video quá trình mở hàng.
- Lưu giữ đầy đủ giấy tờ giao dịch (hóa đơn mua hàng, giấy tờ bảo hành/đổi trả, …).
- Một số mẹo hay khi giao dịch qua mạng
2.1. Kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm:
Kiểm tra thông tin mô tả chi tiết về sản phẩm được quảng cáo (có thể xem từ hình ảnh hoặc thông tin mô tả có trong tin rao) hoặc hỏi trực tiếp thông tin sản phẩm từ Người Quảng Cáo (trong trường hợp nội dung tin quảng cáo không đề cập đủ). Tùy vào thái độ tư vấn của Người Quảng Cáo mà bạn có thể quyết định lựa chọn sản phẩm đó hay không. Bạn có thể tham khảo các câu hỏi sau để xác định mức độ minh bạch về thông tin sản phẩm:
- Tiêu đề có trùng khớp với nội dung, hình ảnh sản phẩm không?
- Hình ảnh có góc chụp rõ ràng, chi tiết không?
- Chi tiết về tình trạng sản phẩm: đã sử dụng bao lâu, có đầy đủ phụ kiện (nếu có), có hư hỏng gì hay không, …
- Giá cả Người Quảng Cáo đưa ra có hợp lý so với tình trạng sản phẩm không?
- Với sản phẩm có giá trị lớn, có hóa đơn chứng từ, sổ đỏ đầy đủ không?
- Thận trọng với những sản phẩm có giá bán rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
- Đối với những sản phẩm có giá trị lớn, cần yêu cầu Người Quảng Cáo cung cấp giấy tờ, sổ đỏ, hóa đơn mua hàng để đảm bảo an toàn khi giao dịch.
- Tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân, người có kinh nghiệm mua bán trực tuyến về sản phẩm bạn muốn mua.
2.2. Tìm hiểu kỹ các điều khoản, quy định và chính sách bán hàng:
- Tìm hiểu kỹ các điều khoản liên quan tới việc bảo vệ thông tin cá nhân của Người Tiếp Nhận Quảng Cáo và các điều khoản giao dịch như:
- Phương thức thanh toán: trả từng phần hay trả một phần, trả trước hay sau khi nhận sản phẩm, trả bằng hình thức nào, … Zalo Buy & Sell khuyến khích bạn nên thỏa thuận với Người Tiếp Nhận Quảng Cáo bằng giấy tờ, không thỏa thuận miệng.
- Giao hàng: thời gian, phương thức và chi phí vận chuyển.
- Chính sách bảo hành, đổi trả hàng và dịch vụ hậu mãi (nếu có): thời gian bảo hành, điều kiện được đổi trả/hoàn tiền, …
2.3. Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn:
- Nên giao dịch trực tiếp và luôn đi từ hai người trở lên. Nên đi cùng với người có hiểu biết về sản phẩm cần mua để có thể hỗ trợ kiểm tra sản phẩm.
- Đối với những giao dịch lần đầu hoặc giao dịch có giá trị lớn, hạn chế chuyển tiền cho Người Quảng Cáo trước khi nhận hàng.
- Chọn những hình thức thanh toán an toàn như dịch vụ giao hàng COD (thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận hàng). Khi nhận hàng qua hình thức COD, cần kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm sau đó mới trả tiền. Trong trường hợp không được kiểm tra hàng, bạn nên quay lại video quá trình mở hàng để làm bằng chứng giải quyết các tranh chấp (nếu có).
- Thận trọng với các hình thức chuyển tiền trước khi nhận hàng (chuyển khoản, nạp thẻ điện thoại, …). Trong trường hợp chuyển tiền trước, cần kiểm tra kỹ độ uy tín của Người Quảng Cáo thông qua thông tin giao dịch của Người Quảng Cáo và tham khảo ý kiến từ bạn bè, người thân.
2.4. Lưu giữ đầy đủ thông tin giao dịch:
Lưu giữ đầy đủ giấy tờ giao dịch (hóa đơn mua hàng, giấy tờ bảo hành/đổi trả, …) hoặc các thông tin xác nhận mua bán giao dịch như giấy tờ chuyển khoản, … (trong trường hợp bạn đã xác minh độ tin cậy của Người Quảng Cáo). Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp (nếu có) trong giao dịch.
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn có những trải nghiệm mua hàng thú vị cùng Zalo Buy & Sell!